Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh sáng hôm nay 05.04.2011 trở nên nhộn nhịp khác hẳn. Có thể bắt gặp ở đây các cô, các chú đã đến từ rất sớm, ai cũng chộn rộn chuẩn bị cho một ‘sự kiện đặc biệt’ hay đó là các cụ ông, cụ bà mái đầu lấm tấm sợi bạc, lưng còng, chân yếu vẫn với cái nô nức như trẻ lại, nụ cười trên gương mặt phảng phất chút hồi hộp, chờ đợi… Hôm nay, họ đến với cuộc thi Tiếng hát mãi xanh, họ sẽ bước lên sân khấu và hát hết mình cho Vòng sơ tuyển ngày đầu tiên này.
"Hát cho đời xanh mãi!"
Đầu giờ, có thí sinh còn tranh thủ ngồi quấn lại nếp tóc cho thiệt đẹp, có thí sinh thì loay hoay thắt lại cà-vạt của mình cho chỉnh chu, một số khác thì cùng tập hát với nhau, các cô các chị còn trang điểm cho nhau hay đơn giản chỉ là làm quen, trò chuyện cùng nhau. Đó là những điều không phải ở cuộc thi nào chúng ta cũng thấy được. Có gì đâu, họ đến đây trước nhất là vì niềm vui được hát, được thỏa lòng đam mê của mình chứ thi thố thì có hề gì.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi đứng trên sân khấu, cô Trịnh Thu Hương (1952) đã nói: “Tôi đến với cuộc thi Tiếng hát mãi xanh vì thấy được thi thế này thật là vui.” Cô cũng bày tỏ một chút tiếc nuối: “Khi bước lên sân khấu hôm nay tôi chỉ hồi hộp một tí thôi, nhưng mà lúc sau cũng run quá nên quên lời.” nhưng vẫn ở lại xem các thí sinh khác – những người bạn mới quen của mình thi.
Thí sinh Trịnh Thu Hương
Một thí sinh khác - chú Trần Ngọc Thành (1950) cùng chia sẻ cảm xúc hồi hộp của mình rằng: “Khi tôi bước lên sân khấu có hồi hộp xong rồi tự trấn tĩnh. Vì yêu thích ca hát mà tôi đến với cuộc thi này. Phải nói là ai đến một cuộc thi mà không mong mình đạt giải, tôi cũng hy vọng nhưng chắc còn nhiều người ca hay hơn mình nữa. Cuộc thi này thiệt hay, nó giúp cho lứa tuổi chúng tôi có cái lạc quan, yêu đời thêm và tự tin thêm.”
Thí sinh Trần Ngọc Thành (1950)
Đó là những chia sẻ chung nhất của các thí sinh hôm nay. Và chắc hẳn, bất cứ ai có mặt tại phòng thi sơ tuyển của Bảng 2 hôm nay đều không quên được thí sinh có tuổi nhất chính là cụ Nguyễn Văn Mực (Tên thường dùng: Lê Tùng). Khi cụ vừa bước lên sân khấu, cả khán phòng không ngớt tiếng vỗ tay. Cụ năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe lắm, một mình đến với cuộc thi này, cụ mộc mạc chia sẻ: “Bạn bè tui đốc thúc tui đi thi, tui cũng đam mê ca hát lắm, đam mê ca hát từ hồi 16 tuổi lận nhưng cũng ‘mặc cảm’ vì mình già, tui sợ lên hát hông nên thân, không đạt, tui hát coi chứ còn yếu lắm.” Trong niềm hồ hởi, cụ nói thêm: “Được cái chúng tui ai đi thi cũng phấn khởi, người ta hưởng ứng nhiều như thế xưa giờ không có, chưa gì là thấy thành công rồi.”
Thí sinh lớn tuổi nhất - Ông Nguyễn Văn Mực (85 tuổi)
Không đến thi hôm nay mà là đến tập cho buổi thi ngày mai, một thí sinh đặt biệt với đôi nạn chống tay vẫn bước đến cuộc thi bằng niềm đam mê ca hát - Chú Nguyễn Mạnh Hiền (1956) - đã chân thành nói cảm xúc của mình về cuộc thi: “Có cuộc thi này những người ở độ tuổi của tôi thấy vui hơn. Gia đình, bạn bè tôi ủng hộ bảo tôi đi tham gia cho vui chứ chân tôi thế này thì ở nhà hoài cũng buồn. Đến đây, nghe các thí sinh khác hát hôm nay, tôi thấy chúng tôi không chuyên nghiệp, hát sai nốt, sai nhịp nhưng ai cũng rất hứng khởi, nhiệt tình và hồ hởi, hát cho vui mà. Đó chắc là thế mạnh của tuổi này.”
Thí sinh Nguyễn Mạnh Hiền (1956)
Còn nhiều lắm những sẻ chia của các thí sinh. Một giọng hát trầm ấm vẫn một chút gì đó run run vì hồi hộp hay vì tuổi tác, một tiếng ca đang mượt mà tự dưng vì quên lời mà gián đoạn nhưng ở phía dưới, những thí sinh còn lại vẫn không ngại dành cho giọng hát ấy, tiếng ca ấy những tràng pháo tay động viên ấm áp chắc chắn sẽ là những gì đọng lại trong mỗi thí sinh đến với cuộc thi Tiếng hát mãi xanh. Xin mượn lời chú Lương Ngọc Thanh (danh hài với nghệ danh: Vũ Thanh) cùng bà xã Lê Thị Hải – hai thí sinh đến ngày 9 mới thi nhưng hôm nay cũng đến xem các thí sinh khác thi trước, - thay lời kết: “Nhìn thấy những người đến dự thi là những người ở vào tuổi “gần đất xa trời” rồi như thế mới thấy rằng họ yêu âm nhạc, yêu ca hát mạnh mẽ thế nào. Tôi và bà xã cũng muốn góp mặt cho vui. Tôi nghĩ rằng để cầm micro hát không khó, nhưng một lần bước lên sân khấu, phía sau là logo HTV – Thương hiệu cả nước như thế thì các thí sinh đến đây, được hát như thế là vui rồi.”
Đôi vợ chồng thí sinh Lương Ngọc Thanh và Lê Thị Hải
Nhìn thấy sự lạc quan yêu đời của những người lớn tuổi.
Trả lờiXóaEm chúc chị đạt được điều mong ước nha.
Chúc chị thành công.
Cuộc thi nầy thật thú vị, lần đầu tiên người lớn tuổi được tham gia ca hát trong một cuộc thi do HTV tổ chức làm tui cũng nổi hứng quá.
Trả lờiXóaKP là thí sinh mà làm được phóng sự nầy thật là hay, chứng tỏ ngoài niềm đam mê ca hát KP còn là một nhà báo nghiệp dư.
Chết chết! tin tức nầy là của CT THMX thực hiện,bài nầy mình quên ghi chú nên Lá hiểu lầm.Tại ở xa nên mình không đi thu nhặt tin tức được chứ mình cũng rất thích làm chuyện đó lắm! Bây giờ mới nổi hứng,ai biểu Lá hỏng chịu đăng ký ừng chi
Trả lờiXóaCám ơn Lan ủng hộ chị hết mình, nhưng cuộc thi nầy chỉ nghe vui thôi chứ không nghe "mùi" thi thố ha Lan,vui thiệt đó em.
Trả lờiXóaLâu quá rồi tôi không ca hát. Dịp nào hát karaoke luyện giọng lại đến 85 tuổi như ông chú Nguyễn Văn Mực mới đi thi.
Trả lờiXóaChà 31 năm nữa! Tới lúc đó mình chắc không còn sức để cổ vũ,khích lệ cụ Lá đi thi đâu nha,đừng có buồn rồi tủi thân tủi khỉ hihihihi
Trả lờiXóaMẹ của bạn em cũng có tham gia cuộc thi này! :))
Trả lờiXóaVậy à, vui quá coi như có người quen rồi!
Trả lờiXóa