8 thg 4, 2011

GAY GẮT CHINH PHỤC"SUSAN BOYLE VIỆT NAM" (SƯU TẦM)


 

 

Với hơn 2.100 thí sinh tham gia nhưng chỉ có 60 gương mặt được chọn vào vòng bán kết, chặng đường tìm ra “Susan Boyle Việt Nam” của cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” được nhận xét hoàn toàn là một cuộc “so tài” gay gắt đối với thí sinh và một cuộc lựa chọn “đau đầu” đối với ban giám khảo.

 

“Biết rớt vẫn thi”

 Đó là chia sẻ hóm hỉnh của khá nhiều thí sinh khi đến “so tài” ca hát trong hai ngày 5 và 6/4 diễn ra tại Nhạc Viện TPHCM khi được hỏi về khả năng lọt vào vòng bán kết của mình. Không chỉ vậy, với những giọng ca là hầu hết những người chưa từng lên sân khấu thi thố, chưa từng cất cao giọng hát trước hàng trăm gương mặt lạ, đây không chỉ là cơ hội hiếm hoi để họ thể hiện năng khiếu bẩm sinh cũng như sự tự tin của riêng mình mà còn là cơ hội để chinh phục giải thưởng cũng khá giá trị.

Có mặt tại hội trường lớn của Nhạc Viện TPHCM vào ngày thứ hai cuộc thi sơ tuyển vào sáng ngày 6/4 mới cảm nhận hết không khí xôm tụ của cuộc thi và những điều thú vị từ chính thí sinh đi thi hát. Chia sẻ về suy nghĩ trước khi lên sân khấu trình diễn ca khúc Lá xanh, thí sinh Trần Thị Lan (sinh năm 1951) nói: “Vì tôi chưa bao giờ đứng trước đám đông hát, nên để có mặt ở đây chồng và con của tôi động viên rất nhiều. Về giọng hát thì tôi được mọi người trong gia đình ủng hộ khen hay nhưng hôm nay thi chưa biết mình có hay hơn mọi người không nữa, nên tôi vẫn xem đi thi để vui là chính”. Riêng với thí sinh Bùi Thị Thu (sinh năm 1949), vì là “giọng ca vàng” của câu lạc bộ người cao tuổi tại nơi mình sống nên bà khá tự tin để bước lên sân khấu trình diễn ca khúc Bông hồng cài áo. Chia sẻ cảm xúc, bà cho biết: “Cả khu phố tôi mấy hôm nay đi đâu ai cũng bàn tán về cuộc thi, ngày thi và cả việc chọn bài để hát. Vì tôi đã hát bài Bông hồng cài áo này nhiều lần nên lúc nãy  thi cũng không run lắm. Hy vọng tôi sẽ lọt vô vòng bán kết để có cơ hội chinh phục giải thưởng. Đi thi mà, ai cũng mong đoạt giải đúng không chú?”.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ tự tin khi trình diễn trên sân khấu như thí sinh Bùi Thị Thu vừa rồi. Với thí sinh Trịnh Thu Hương, tuy đã chuẩn bị phần lời khá kỹ nhưng vẫn bị quên lời và khiến cô gặp không ít lúng túng. “Tôi đã học thuộc phần lời tới mấy ngày nay rồi nhưng không hiểu sao lên sân khấu cứ run và hồi hộp. Tuy tôi đã hát không tốt nhưng tôi vẫn vui vẻ ngồi lại ủng hộ cho bà bạn đi thi cùng. Đi thi cho vui chứ ngay từ đầu tôi đã nghĩ thầm chắc mình không đậu đâu” – Cô Hương chia sẻ thêm.

 

Tham gia “Tiếng hát mãi xanh” vì muốn tìm niềm vui nhỏ nhỏ trong cuộc sống, để có cơ hội hát hò, giao lưu với mọi người hay quan trọng hơn là để chinh phục giải thưởng, hay rộn ràng đi thi vì để biết mình còn lạc quan, yêu đời là những suy nghĩ của hầu hết thí sinh. Nhưng, trong trăm ngàn lí do đó, có thí sinh đã thành thật chia sẻ rằng họ đi thi chỉ vì muốn một lần “cống hiến” giọng hát cho mọi người nghe và được một lần xuất hiện trên sân khấu hay trên truyền hình. Cụ ông Nguyễn Văn Mực cũng thế, ở độ tuổi 85, tuổi cao, sức không còn khỏe như nhiều thí sinh khác, nhưng cụ cho biết mình vẫn tự tin đi thi vì được bạn bè, gia đình ủng hộ đi thi tuyệt đối. “Tôi cũng đam mê ca hát lúc nhỏ nhưng chưa có cơ hội đi thi nên lần này đi thi lần đầu nhưng biết đâu là lần cuối luôn. Bây giờ già rồi, đi thi cũng sợ người ta không ủng hộ nhưng thấy mọi người vỗ tay tôi vui lắm. Lần đầu đứng trên sân khấu, có máy quay hình tôi cũng run nhưng sau đó cũng được vỗ tay là mừng rồi” – Cụ Mực cho biết về lí do đi thi. Và cũng vì những lí do rất thật và dễ hiểu đó đã không chỉ giúp các thí sinh có thêm tự tin mà không bị áp lực mà còn giúp cho không khí thi thố tại vòng sơ tuyển trở nên đầy ắp tiếng cười thoải mái. Đặc biệt hơn, khi sự thoải mái đó đến từ  những tràng vỗ tay của những người chưa từng quen biết nhau.

Cuộc “so tài” gay gắt và “đau đầu”?

Vì thu hút hơn 2.100 thí sinh đăng ký tham gia, và một điều đáng ngạc nhiên là số lượng đăng ký ở bảng 2 (từ 50 tuổi trở lên) lại nhiều hơn số lượng đăng ký ở bảng 1 (từ 35-50 tuổi) nên cuộc thi đã trở thành cuộc “so tài” gay cấn và thú vị giữa các thí sinh. Theo thông tin từ ban tổ chức, trong hai ngày đầu diễn ra vòng sơ khảo, đã có gần 900 thí sinh sống tại TPHCM và các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Lâm Ðồng... đến tham gia. Tại mỗi buổi thi, ban tổ chức chia ra hai bảng dành cho người từ 35-50 tuổi và từ 50 tuổi trở lên nên sẽ có 60 thí sinh được chọn từ hai bảng bước tiếp vào vòng chung kết. “Vì số lượng thí sinh tham gia rất đông và đông hơn dự đoán ban đầu của ban tổ chức trong khi đó số lượng thí sinh được chọn chỉ là 60 nên cuộc thi này cũng khá căng”, ca sĩ Vân Khánh, thành viên ban giám khảo nhận xét. Riêng khi được hỏi về “chất lượng” giọng hát của các thí sinh sau hai ngày sơ tuyển, ca sĩ Vân Khánh cho biết trong khi số lượng thí sinh hát hay thì ít mà lượng thí sinh hát “tạm tạm” hoặc biết hát thì nhiều, thậm chí số thí sinh hát “tệ” cũng lắm nên cũng khiến ban giám khảo không ít lần “đau đầu” suy nghĩ và lựa chọn. Tuy nhiên, may mắn khi bên cạnh đó cũng có những giọng ca có chất lượng thật sự nên cũng tạo cho nữ giám khảo Vân Khánh dù phải “bế” bụng bầu ngồi chấm thi cả buổi ít nhiều có sự phấn khởi. “Qua gần 900 thí sinh đã sơ tuyển, chúng tôi cũng “nhắm” được vài gương mặt rất trội về khả năng ca hát và cơ hội chinh phục giải thưởng. Trẻ có, già có nên cơ hội là ngang nhau”, ca sĩ Vân Khánh nhận định. Khi được hỏi về tiêu chí chấm giải cũng những “bật mí” về những giọng ca dễ dàng được chị và ban giảm khảo đánh giá cao, ca sĩ Vân Khánh cho biết, ngoài yếu tố chất giọng quyết định thì để một thí sinh nổi bật và có nhiều cơ hội lọt vô vòng trong và tiến tới chinh phục ngôi vị cao nhất là thí sinh đó phải có sự tự tin và bản lĩnh biểu diễn trên sân khấu. Đó là khả năng giao lưu với với khán giả và tự tạo cho mình một phong cách riêng để sau này bước ra sân khấu lớn, họ sẽ không bị “khớp”.

Như vậy, với những chia sẻ từ phía ban giám khảo, có thể thấy để hơn 2.100 thí sinh là những giọng ca “không còn trẻ” chinh phục ngôi vị cao nhất “Tiếng hát mãi xanh” cũng đầy cam go và nhiều thử thách. Bởi để chiến thắng, yêu cầu mỗi thí sinh không chỉ sở hữu chất giọng “trời phú” mà còn phải tự tin, biết trình diễn trên sân khấu bên cạnh có phong cách thể hiện riêng. Vì công cuộc chinh phục là khó, là gian nan nên cũng sẽ khiến ban giám khảo không ít lần “đau đầu” và đắn đo suy nghĩ để chọn ra thí sinh có chất lượng nhất vào vòng trong. Và biết đâu, từ chính sự cam go đối với thí sinh và “đau đầu” đối với ban giám khảo đó, ngôi vị ai sẽ trở thành “Susan Boyle Việt Nam” càng trở nên có giá trị và cuộc thi sẽ trở nên ỹ nghĩa hơn. Đặc biệt, cuộc thi sẽ ý nghĩa hơn trong lúc khán giả truyền hình luôn bị “bội thực” khi có quá nhiều cuộc thi ca hát dành cho giới trẻ, mà thiếu hẳn những sân chơi dành cho tuổi trung niên và cao niên. 

Hà Nhuận Nam ( Mask online)

Ảnh May.Q

2 nhận xét:

  1. Thí sinh KP sẽ nằm trong số 60 đó. Xin chúc mừng.

    Trả lờiXóa
  2. Cứ cố gắng hêt sức coi sao,được Lá khích lệ tinh thần tối đa mình cám ơn lắm!

    Trả lờiXóa