May mắn được đồng hành với cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” từ buổi đầu đến trước thềm vòng chung kết, chúng tôi cũng như nhiều khán giả đều có chung cảm nhận với giám khảo-NSUT Măng Thị Hội là: “Nghe các thí sinh hát, đủ biết họ rút gan rút ruột ra mà hát”. Không phải ngẫu nhiên các thí sinh hát với tất cả tâm hồn, tình cảm của mình, bởi trong từng bài hát, câu ca như thấp thoáng nỗi nhớ, sự đồng điệu cho riêng mình.
Khi thí sinh cao tuổi nhất giành quyền vào bán kết, bà Lê Thị Nhung xuất hiện lượt áp chót của buổi thi cuối, lòng tôi như thắt lại vì không hình dung được bà cụ có mái tóc bạc trắng và sinh năm 1937 ấy liệu sẽ hát tròn trịa bài Đêm đông được chăng? Thế là, “lão bà” chẳng cần hát tròn vành rõ chữ hay là phát âm đúng “điệu” như ca sĩ mà vẫn lôi cuốn khán phòng bằng từng câu hát đầy khắc khoải. “Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng” – Nghe bà Nhung hát với cả tâm hồn, mới hiểu điều bà chia sẻ với ban tổ chức Tiếng hát mãi xanh “khi vui hay buồn, tôi trút tâm sự với những bà hát” và mới thấy phần nào nỗi nhọc nhằn bà Nhung đã trải qua hơn nửa đời người khi chống mất năm bà 37 tuổi, rồi bà ở vậy nuôi 8 đứa con…
Bà LÊ THỊ NHUNG - SBD 30B
Với thí sinh Nguyễn Thục Duyên, bài hát Paris có gì lạ không em là kỷ niệm tình yêu mãi không phai. Đâu ai ngờ, ngày trước, người yêu (giờ đã là chồng của chị) từng đi Pháp du học, và thường gửi về cho chị những cánh thư chứa chan tình cảm, nhất là thương chép lại thơ Nguyên Sa, nên chị Thục Duyên chọn bài Paris có gì lạ không em như sự tất yếu vì đó là sự lựa chọn của trái tim.
Thí sinh NGUYỄN THỤC DUYÊN - SBD 27B
Thí sinh Lê Thanh Phương (bảng A) lại “kết” bài Nỗi nhớ bởi “Có 1 lần, tôi nghe Thanh Lam hát bài này, tự nhiên nó gợi trong tôi bao nỗi nhớ về tình yêu, khiến cho mình xúc động. Sau này, khi tôi cầm đàn hát lại bài này lại được bạn bè khen, nên bài hắt gắn bó với tôi như một phần “nỗi nhớ” tôi dành cho bạn bè cũng như kỷ niệm bạn bè nghĩ về tôi”.
Thí sinh LÊ THANH PHƯƠNG -SBD 07A
Với nhiều thí sinh, nỗi nhớ không chỉ gói gọn trong tình cảm riêng tư mà còn là điều gì khác lớn lao hơn, rộn ràng hơn khi nghĩ về quê hương, như thí sinh Phạm Huy Thắng chọn bài Quê nhà để dự thi do anh muốn gửi gắm chút tình yêu quê nhà: “Tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng lại sống ở miền Nam, và chỉ có đôi lần được trở về quê thăm lại nơi “chôn nhau, cắt rốn” nên mỗi khi khi nghe hoặc hát bài này là tôi nghĩ về quê hương mình và thấy ấm lòng”. Tương tự, thí sinh Chu Ngọc Cường hát bài Ôi quê tôi vì cũng không có cơ hội sinh sống ở quê nhà Bắc Ninh, nhưng ít lần về quê, anh thảng thốt nhận ra: “Con người và cảnh vật ở đây đều nên thơ, họ hàng và bà con xóm làng rất thương quý, gần gũi dù trước đó chưa hề biết mình”.
Thí sinh PHẠM HUY THẰNG - SBD 04A và CHU NGỌC CƯỜNG - SBD 08A
Hình ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Nhưng độc đáo nhất ắt hẳn là ông Trương Nguyên Vũ (66 tuổi, TPHCM) khi ông trình bày bài hát mình sáng tác Đợi người về ở vòng sơ tuyển. Ông Vũ có một tập nhạc tựa đề “Bao kỷ niệm buồn” đã được đăng ký tác quyền, gồm 200 bài, nhưng chỉ để dành “hát cho nhau nghe” trong gia đình, bạn bè. Bài Đợi người về ông sáng tác năm 62 tuổi, nhân một buổi “nghe mưa” và nhớ lại quá khứ chuyện tình buồn, khi một người con gái mình thương đi lấy chồng. Ông Vũ không hát các ca khúc đã nổi đình, nổi đám như bài hát Chiếc lá cuối cùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh mà ông rất thích còn do: “Trong một cuộc thi mà hát những ca khúc quen thuộc dễ gây nhàm chán cho người nghe, nên tôi mạo muội hát ca khúc của mình”. Sau khi trình bày xong ca khúc Đợi người về, ông Vũ còn thốt lên đầy cảm thán: “Được một lần bộc bạch lòng mình ở Tiếng Hát Mãi Xanh, rồi lại thấy cuộc tình mình mãi…xanh xao”.
Thúy Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét