Nếu ở một cuộc thi dành cho những người trẻ mà chúng ta bắt gặp được những hình ảnh dễ thương như những người bạn mới quen trò chuyện cùng nhau sôi nổi, chia sẻ cho nhau những lo lắng, hồi hộp trước giờ thi đã là đáng quý thì ở Tiếng hát mãi xanh, làm sao mà không thương hơn, quý hơn những hình ảnh ấm áp mà lặng lẽ với những mái đầu lấm tấm sợi bạc, những gương mặt đã ít nhiều ghi lại dấu thời gian bằng những nếp nhăn.
Ở đây, ấm áp là khi giữa khán phòng, có cô thí sinh trẻ hơn (nói là trẻ nhưng cũng độ chừng năm mươi mấy tuổi rồi) bước vào phòng thi, vì hồi hộp mà nộp phiếu báo thi rồi lại quên nhận số báo danh, rồi cầm số báo danh thì không biết dán thế nào, khi ấy một cụ bà đã kéo tay cô ấy lại và dán giúp số báo danh lên áo cho cô, tươi cười.
Hay khi chúng ta được biết cả một gia đình với ông xã, con gái và con rể trở thành ủng hộ viên cho thí sinh Lương Thị Minh Nguyệt (1948). Mà giây phút xúc động bất ngờ chính là lúc nhìn thấy ông xã cô cầm bó hoa đứng giữa khán phòng, ngập ngừng một lúc mới bước lên tặng hoa cho cô. Dường như yêu thương được trẻ lại!
Tặng hoa cho vợ
Cũng khó mà quên được một bác thí sinh mà chúng tôi không kịp hỏi được tên, đi cùng với con gái và cháu ngoại. Bước ra khỏi phòng thi, ông ẵm cháu nán lại chụp một tấm ảnh lưu niệm, hai ông cháu đã cười thật tươi, “nụ cười không tuổi tác”.
Ông và cháu cùng đi thi
Hoặc như lúc chúng ta nghe một nhóm thí sinh chia sẻ rằng họ là những người bạn thân của nhau, rủ nhau cùng đi thi. Đến đây, vừa là thí sinh, mỗi người vừa là người ủng hộ tinh thần của nhau từ buổi tập sang buổi thi. Chưa hết, người bạn này sẽ giúp người bạn kia thêm chút phấn, chút son cho mỗi người sẽ đẹp hơn khi bước lên sân khấu.
Phút giây chuẩn bị
Rồi cụ bà Phan Thị Xuân (78 tuổi, Bình Định) dù không kịp đăng ký cho cuộc thi năm nay vẫn cất công đi đến, và chỉ xin được lên ‘hát một cái’. Niềm mong mỏi được hát đó của bà đã được đáp lại, bà hát, hát giữa một vòng tròn nho nhỏ với các thí sinh khác. Nhịp vỗ tay không ngơi, tiếng hát không dứt, vừa hát hết 1 bài bà lại hát bài khác và bảo là “Tui hát 10 bài cũng được.” Thương quý làm sao!
"Hát cho thỏa đam mê. Hát cho đời xanh mãi!"
Và chúng ta hẳn cũng sẽ không khỏi xúc động khi nhìn thấy hai đứa cháu hai bên, cẩn thận dắt bà cụ tay chống gậy đi thi. Đó là bà Nguyễn Thị Loan năm nay đã 74 tuổi. Bà kể bị té cách đây 3 năm, tưởng không đi lại được nữa nhưng nhờ cố gắng tập trị liệu nên có thể đi lại được với cây gậy. Khi bước lên sân khấu hát cho mọi người nghe bài “Cát bụi”, bà xúc động muốn khóc vì đây là lần bà được hát trở lại sau 20 năm không được hát nữa. Niềm lo lắng duy nhất của bà lại đơn giản đến thương: “Tui hơi lo chân chống gậy lên sân khấu sợ kì!”. Thật thương biết mấy khi bà bảo “Tôi đi thi là muốn cho bà con xa gần biết tôi còn rất khỏe.” Chỉ đơn giản vậy thôi, nào ai nghĩ đến giải này giải nọ đâu, họ chỉ cần được hát cho thỏa lòng.
Ấm áp tình thân
“Tui hơi lo chân chống gậy lên sân khấu sợ kì!”
Ở Tiếng hát mãi xanh, dường như không một ai nghĩ đến chuyện ganh đua nên những cạnh tranh lẽ ra sẽ có ở một cuộc thi đã bị phai mờ trong niềm vui bằng những hình ảnh đẹp, những câu chuyện chân chất, mộc mạc mà lắng sâu như thế.
T.A
08.04.2011
Thương quá chị KP nhỉ ...Giữa những lo toan về lương giá... cuộc thi là một nụ cười . Cám ơn chị đã post
Trả lờiXóaỪ,tình cảm lắm em.Âm nhạc đúng là không biên giới.
Trả lờiXóa